<bgsound src="/2011 Nhac Truyen Ngan.mp3"/> Le Dinh












Liên lạc tác giả:

LÊ VĂN PHÚC

Virginia


















































Thoạt nghe tựa đề này, bạn đọc đã biết ngay là nói đến ai rồi!

Thời học trò, khi lên tới ban trung học, ai cũng được học về một số tác giả và tác phẩm nổi tiếng, trong đó có danh nho Nguyễn Công Trứ!

Các nam sinh, học đến tác giả này đều coi đây là thần tượng của đời mình, mơ uớc sau này sẽ nối gót người xưa.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, hiếm ai có văn nghiệp, võ công hiển hách đên như thế!

Đây cũng là một tấm gương cao cả, rực rỡ về một người thân lập thân, tài kiêm văn võ, chí hùng bất khuất, lời nói đi đôi với việc làm, và có một tâm hồn rất ư là nghệ sĩ, đầy tình người, tình yêu và tình tự tin để sống một cuộc đời dẫu có khi thăng lúc trầm, khi bần hàn lúc hiển hách mà lúc nào cũng giữ được tinh thần lạc quan, phô diễn ý chí nam nhi và quyết tâm phục vụ đất nước.







Ông sinh ngày đầu năm Mậu Thân (1778), người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc dòng dõi Đức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tấn.

Con đường khoa cử của ông lận đận, mãi đến năm 42 tuổi (1818) mới đậu giải nguyên kỳ thi Hương trường Nghệ rồi ra làm quan.

Suốt 30 năm xuất chính, chức vụ cao nhất là Thượng Thư, Tổng Đốc và được triều đình phong là Uy Viễn Tướng Quân.

Nhưng vì ông học rộng, tài cao, chí lớn nên cũng không tránh khỏi những nỗi thăng trầm vì ganh ghét, dèm pha. Hai lần bị cách chức, một lần bị cách tuột xuống làm lính.

Về võ nghiệp thì ông rất là hiển hách, đánh đông dẹp bắc, dẹp Phan bá Vành (1827), dẹp Nông văn Vân (1833), dẹp giặc Khách (1835), trận nào cũng tỏ ra có tài thao lược.

Năm 80 tuổi, khi nghe tin quân Pháp đánh phá Đà Nẵng (1858), ông còn hăm hở xin vua cho cầm quân đi đánh giặc..

Được dân chúng nhớ đến nhiều nhất vì ông là một nhà kinh tế có công khai hoang khẩn ấp ở hai huyện Tiền Hải (thuộc tỉnh Ninh bình) và Kim Sơn (thuộc tỉnh Thái Bình) khi làm chức Doanh Điền Sứ thời vua Minh Mạng.

Ông chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển vào những năm cuối thập niên 1820, đề xuất việc lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Những công trình của ông được dân chúng nhớ ơn. Hiện nay còn nhiều từ đường thờ cúng ông ở hai huyện trên cũng như ở quê hương của ông. Nhiều đình chùa đã thờ cúng ông và tôn làm Thành Hoàng Làng.





Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, Ninh Bình



Nhưng được nhớ đến nhiều nhất, phải nói đến sự nghiệp văn chương của Nguyễn Công Trứ. Ông đã để lại cho đời nhiều thơ văn nói về phận sự làm trai, nợ tang bồng, kẻ sĩ, thú tiêu dao, tình đời đen bạc, triết lý nhân sinh… Ông mê hát ả đào, viết nhiều bài ca trù rất đa tình. Ông cũng là một nghệ sĩ rong chơi thoải mái, không câu nệ. Trong lịch sử văn học nước nhà, tưởng ít ai có được sự nghiệp hiển hách mà lại đa tài, đa tình, đa đoan, đa sự… đến như ông!

Khi còn trẻ đi thi, ông đã tự nhủ lả phải đỗ đạt làm quan mới thi thố được tài năng, như trong bài “Đi thi tự vịnh”:

Đi không há lẽ trở về không?
Cái nợ cầm thư phải trả xong
Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
Dở đem thân thế hẹn tang bồng
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Trong cuộc trần ai, ai đã biết
Rồi ra mới rõ mặt anh hùng.

Sống trong cảnh nghèo nhưng ông giữ cuộc sống thanh cao, phẩm cách trong sạch. Ông có khí tiết, vượt mọi trở ngại để thành đạt.

Có khi ông phải làm thầy địa lý, thầy lang bốc thuốc, thơ phú cho qua ngày, ẩn nhẫn chờ thời… Để bầy tỏ chí hướng của mình, ông có bài “Chí nam nhi”, bảo rằng một người con trai thông minh, phải làm nên kẻ khác thường trong thiên hạ, phải thi thố nơi trường văn, xông pha nơi chiến trận, làm nên đấng anh hung đâu đấy tỏ thì mới đáng mặt nam nhi hào kiệt:

Thông minh nhất nam tử
Yếu vi thiên hạ kỳ
Trót sinh ra thì phải chi chi
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu
Đố kỵ sá chi con Tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
Đã xông pha bút trận, thì gắng gỏi kiếm cung
Làm cho rõ tu mi nam tử
Trong vũ trụ đã đành phận sự
Phải có danh gì với núi sông
Đi không, chẳng lẽ về không.

Vẫn nói về phận sự nam nhi, ông còn muốn trải rộng tâm tình để nói lên chí hướng của mình là phải vẫy vùng Nam, Bắc, Đông, Tây. Lúc nguy nan thì ra tay buồm lái, làm nên sự nghiệp phi thường. Rồi khi công thành danh toại thì thảnh thơi thơ túi rượu bầu, trang trắng vỗ tay reo, như bài « Chí làm trai » :

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây
Cho phỉ chí vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc rằng ai nhục, ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan sẻ núi lấp sông
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.

Chí hướng của ông đã bầy tỏ rõ ràng như vậy và ông quyết tâm theo đuổi lý tưởng của mình. Khi nói về thế nào là một kẻ sĩ trong thiên hạ, ông đã có dịp luận bàn chi tiết, ý hướng qua những vần thơ rõ nét, đanh thép, như gói ghém cả cuộc đời mình trong bài « Kẻ sĩ » :

Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị
Đạo lập thân giữ lấy cương thường
Khí hạo nhiên chí đại, chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất (1)

Hiêu hiên nhiên điếu Vị, canh Sằn (2)
Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang, Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lăng miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
Làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là sĩ, sau là khanh tướng
Kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung
Vũ trụ chi gian giai phận sự, nam nhi đáo thử thị hào hùng
Nhà nước yên mà sĩ được thung dung
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới
Gẫm việc đời mà ngẫm kẻ trọc thanh
Này này sĩ mới hoàn danh

Ghi chú :
(1) : » bồng tất « là hai thứ cỏ, ý nói nơi thôn quê.

(2) : » điếu Vị, canh Sằn « là câu ở sông Vị, cày ở đất Sằn, theo gương người xưa.

Ngoài phận sự làm trai, Nguyễn Công Trứ còn là một nghệ sĩ tài hoa rất mực. Thú vui nào cũng là thú ăn chơi, thơ túi rượu bầu. Ông ca tụng thú nhàn nên có dịp là hưởng cái thú thanh cao ấy , như trong bài « Cầm kỳ thi tửu » :

Cầm, kỳ, thi, tửu
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay
Đàn năm cung, réo rắt tính tình đây
Cờ đôi nước, rập rình xe ngựa đó
Thơ một túi, phẩm đề câu nguyệt lộ
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà
Thú xuất trấn, tiên vẫn là ta
Sách Hoàng Thạch, Xích Tùng, ờ cũng dáng
Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng
Thi hoài lạc hĩ, tửu hoài năng (1)
Một chữ nhàn giá lại đáng muôn chung
Người ở thế, dẫu trăm năm là mấy
Sách có chữ, « nhân sinh thích chí »
Đem ngàn vàng chác lấy chuyện cười
Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các, cho người biết tay
Tài tình dễ mấy xưa nay.

Ghi chú (1) : Tiếng đàn trong trẻo, nước cờ sáng sủa, lòng thơ vui vẻ, chén rượu nồng nàn.

Nói về tính nghệ sĩ của Nguyễn Công Trứ, sách cũng chép rằng : Thuở chưa làm nên danh phận, ông cũng theo đoàn hát đi hát dạo rong chơi. Có lần giữa cánh đồng, ông đã « nhập nhằng » được với một cô đào trong đoàn hát. Chuyện ấy cũng coi như chuyện bướm với hoa , như trăng với gió, như ta với mình...

Rồi công danh đến tay, ông ra làm quan, rất là danh giá.

Một bữa, có đoàn hát dạo vào phủ trình diễn. Cô đào hát năm xưa thấy bây giờ quan lớn như thần, nhớ lại ngày cũ từng có lần ân ái với chàng, mới hát một câu rằng :

Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng ?

Quan lớn thấy người yêu anh hỡi, nhớ lời ăn tiếng nói, nhớ những phút mặn mà kề môi áp má với người tình xưa thì nhận ra ngay, lấy làm cảm động lắm. Mới hỏi han rất ân cần, rồi lại chu cấp cho người xưa chút tiền bạc để làm hành trang lúc tạ từ, lưu luyến chia tay…

Ông không quên thuở xa xưa văn nghệ văn gừng, vẫn nhớ mối duyên tình ngày nọ, không sợ ai chê cười, không chối từ dĩ vãng mà coi đó là một kỷ niệm đẹp, khó quên trong cuộc đời mình. Cả đến khi về gìà, ngoài 70 tuổi ông mới cưới một nàng hầu còn trẻ măng mới ngoài hai mươi tuổi.

Nên trong bài « Giả cưới nàng hầu » có đoạn người con gái vừa cưới hỏi tuổi người yêu thì chàng đánh trống lảng, đáp ỡm ờ rằng : Năm mươi năm trước, tớ mới có hai mươi ba tuổi thôi à !

…Tân nhân dục vấn lang niên kỷ
Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam
Tình đã chung, lứa cũng phải vam
Suốt kim cổ lấy làm phận sự
Trong trần thế duyên duyên, nợ nợ
Duyên cũng đành mà nợ cũng đành
Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai
Càng già, càng dẻo, càng dai…

Trong thơ của ông, ít ai để ý đến bài diễn tả nỗi niềm riêng của kẻ ôm mối nhớ nhung thầm kín. Không biết « người xưa lưu luyến ra sao nhỉ ? », chứ như Nguyễn Công Trứ thì ông rất thành thực, nghĩ sao nói vậy, diễn tả mối « Tương tư » như trong bài này :

Tương tư không biết cái làm sao
Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào ?
Lúc đứng, lúc ngồi, khi nói chuyện
Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao
Trăng soi trước mặt ngờ chân bước
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào
Một nước một non, người một ngả
Tương tư không biết cái làm sao ?

Hai câu giữa bài nói lên được ý tình của kẻ tương tư :

Trăng soi trước mặt ngờ chân bước
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào

Khi vào đời, ông mang văn chương, võ nghiệp giúp dân giúp nước nhưng vì tài cao chức trọng nên cũng không tránh khỏi ganh ghét, sàm tấu đến nỗi có lần từ cấp tướng bị giáng xuống hàng binh nhì, đang ở chốn cao sang bỗng nhận được sự vụ lệnh ra tiền đồn thành kẻ ở miền xa. Ông cũng không thù hận chi ai mà coi đó là nhân tình thế thái.

Nên khi cáo quan, ông coi như « Thoát vòng danh lợi » để trở về vui thú điền viên, bạn cùng cây cỏ, chén rượu cuộc cờ, phong nguyệt riêng ta :

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc, tùng, phong, nguyệt mới vui sao
Đám phồn hoa trót bước chân vào
Sực nghĩ lại giật mình bao siết kể
Quá giả vãng nhi bất thuyết
Cái hình hài làm thiệt cái thân chi
Cuộc đời thử gẫm mà suy
Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu
Hẹn với lợi danh ba chén rượu
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ
Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt
Mặc xa mã thị thành không dám biết
Thú yên hà trời đất để riêng ta
Nào ai, ai biết chăng là ?

Sau bao năm làm quan, cầm quân đánh giặc, lo cả đến việc chăm sóc dân sinh, ông coi như đã làm tròn phận sự người trai để trở về với đời sống thiên nhiên, vui cùng thơ văn, núi cao sông rộng trong cảnh nhàn lúc tuổi già . Sau đây là bài « Chữ nhàn » :

Thị tai môn tiền náo
Nguyệt lai môn hạ nhàn
So lao tâm lao lực cũng một dàn
Người trần thế muốn nhàn sao được?

Nên phải giữ lấy nhàn làm trước
Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài Cuộc nhân sinh bẩy tám chin mười mươi

Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể.

Thoát sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì?
Khi hỉ lạc, khi ái ố, lúc sầu bi
Chứa chi lắm một bầu nhân dục.

Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn
Cầm kỳ thi tửu với giang sơn
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế.

Ngã kim nhật tại tọa chi địa
Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni
Ai hay hát mà ai hay nghe hát?

Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất
Để ông Tô riêng một thú thanh cao
Chữ nhàn là chữ làm sao?

Nhớ lại trong cuộc đời ông, giai đoạn khốn cùng nhất có lẽ là thời kỳ trai trẻ, công chưa thành, danh chưa toại mà nhà lại nghèo nên ông đã có một bài phú - có lẽ là bài dài nhất trong thơ Nguyễn Công Trứ - diễn tả cái cảnh nghèo hèn cùng cực của một nho sĩ ôm chí lớn những toan lấp biển dời non mà phải đành chịu cảnh tang thương như bài “Hàn nho phong vị phú”. Xin trích đoạn:

Chém cha cái khó, chém cha cái khó
Khôn khéo mấy ai, xấu xa một nó…

…Kìa ai:
Bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ
Đầu kèo mọt đục vẽ sao, trước cửa nhện giăng màn gió
Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng
Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ
Đầu giường tre, mối giũi quanh co
Góc tường đất, trùn lên lố nhố
Bóng nắng giọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô
Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó
Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng buồn kêu
Đầu giàn, chuột khóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ
Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cần no
Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cổng thường bỏ ngỏ
Ấm trà góp lá bàng lá vối, pha mùi chát chát chua chua
Miếng trầu têm vỏ mận vỏ dà, buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ
Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu
Khăn lau giắt đỏ lòm, giải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú
Đổ mồ hôi: võng lác, quạt mo

Chống hơi đất: dép da, guốc gỗ
Miếng ăn sẵn, cà non mướp luộc, ngon khéo là ngon!
Đồ chơi nhiều quạt sậy điếu tre, của đâu những của!
Đồ chuyên trà, ấm đất sứt vòi
Cuộc uống rượu, be sành chắp cổ….

…Gấp khúc lươn, nên ít kẻ yêu vì
Trương mắt ếch, biết vào đâu mượn mõ?
Đến lúc niên chung nguyệt quý, lấy chi tiêu đồng nợ đồng công
Gặp khi đường xẩy chân cùng, nên phải đến cửa này cửa nọ
Thân thì to to nhỏ nhỏ, ta đã mỏi cẳng ngồi trì
Dần dà nọ nọ kia kia, nó những vuốt râu làm bộ
Thầy tớ sợ men tìm đến cửa, ngảnh mặt cúi đầu
Chị em e vất lấm vào lưng, chìa môi nhọn mỏ
Láng giềng ít kẻ tới nhà
Thân thích chẳng ai nhìn họ…

Mấy ai trong cảnh hàn vi mà vẫn giữ được cái phong vị nho nhã, khốn cùng mà vẫn ung dung, mạt vận mà vẫn thanh thản chờ ngày rồng mây mờ hội. Ông lại còn có những nhận xét tỉ mỉ và thi vị hóa cái nghèo. Như thể đó là cái thú của kẻ chưa gặp thời vận. Ông kết luận:

... Khó ai bằng Mãi thần, Mông Chính, cũng có khi ngựa cưỡi dù che

Giầu ai bằng Vương Khaỉ, Thạch Sùng, cũng có hội tường xiêu, ngói đổ.

Mới biết:

Khó bởi tại trời, giầu là có số…

Sau những thăng trầm trong cuộc đời đầy hiển vinh cũng như nhiều sóng gió, khi từ quan, ông thường cưỡi bò vàng, theo sau vài tiểu đồng bầu rượu túi thơ, rong chơi khắp miền thôn dã, núi sông, vui cùng cảnh đẹp, ngâm vịnh, nhàn hạ và nhìn đời bằng con mắt của một triết nhân. Triết lý ấy gói ghém trong bài vịnh “Cây thông”:

Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông…

Nói tóm lại, Nguyễn Công Trứ đã trải qua những cảnh đời lắm nỗi gian truân, nhiều nét phong trần tang thương biến đổi, mà cũng chẳng biết ăn ở làm sao cho vừa được lòng người. Nên cuối đời, ông cầu mong nếu có kiếp sau thì xin được làm thân cây thông đứng giữa trời mà reo cùng trời mây non nước, xa lánh bụi hồng trần… Nhìn chung, cuộc đời của danh nho, danh tướng Nguyễn Công Trứ có nhiều nét ly kỳ mà cũng thực tuyệt vời…

Một người văn võ song toàn, tri hành hợp nhất, khi chưa thành đạt vẫn nuôi chí kiên cường làm nên sự nghiệp; khi ra làm quan đã mang hết tâm lực, tài năng phụng sự quốc gia; hoàn cảnh nào cũng bền tâm vững chí làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ.

Gương sáng ấy đã là ánh đuốc, là lý tưởng cho nhiều thế hệ soi chung.

Có ai theo được gót danh nhân Nguyễn Công Trứ thì ngay con cháu ông cũng chưa ai theo kịp! Nhưng nhiều tầng lớp người trẻ Việt Nam đã thấm nhuần được phần nào lý tưởng của người xưa để làm hành trang trong cuộc đời trước mặt…

Ông mất ngày mùng 7 tháng 12 năm 1858, thọ 80 tuổi.

Trong tang lễ, vua Tự Đức có khen ngợi văn tài võ tướng của Nguyễn Công Trứ qua hai câu:

Tả hữu nghi văn nghi võ
Tử sinh danh tướng danh thần.

Nguyễn Công Trứ là một tấm gương sáng chói trong lịch sử danh nhân Việt Nam.



LÊ VĂN PHÚC

Virginia, 2011














Free Web Template Provided by A Free Web Template.com
  �